Lễ giỗ cố linh mục chánh xứ Vinh Trang – Gioan Baotixita Bùi Đình Thể

Hôm nay, 24/5, là ngày lễ giỗ của cố linh mục Gioan Baotixita Bùi Đình Thể, linh mục chánh xứ đầu tiên của giáo xứ Vinh Trang thân yêu. Xin tất cả anh chị em cùng tưởng nhớ và cầu nguyện cho Ngài được hưởng tôn nhan Thiên Chúa trên thiên đàng.


“Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho linh hồn cha Gioan Baotixita được lên chốn nghỉ ngơi –
Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.

Pet Quốc Đạt

Bài viết của André Đoàn  Trung Chính

Nguồn : Gia Đình  Lâm Bích

CHA TÔI

Ngày 11.5.2007, cha tôi đang dạo trong vườn nhà hưu dưỡng giáo phận – tuổi đã cao, nhưng những ưu tư của ngài vẫn còn đó. “Giờ thì không làm được gì nữa rồi”! ngài vẫn thường nói khi có kẻ đến thăm ngài – Một hòn đá trở thành định mệnh, ngài ngã xuống, đầu bị một hòn đá khác ghi dấu ấn, dấu ấn sau cùng của cuộc đời. Hôn mê từ đó.
Hai tuần lễ sau đó, lúc 20 giờ 40, ngày 24.5.2007, ngài về nhà Cha, nơi mà ngài đã miệt mài mong chờ, nay mới tìm đến được.

22 tuổi (1938), cha tôi tìm đường hiến thân phục vụ cho Chúa tại chủng viện Xã Đoài, mà trước đó, ngài đã có ý lập gia đình. Sau 7 năm học trường Thử – Latin – Lý đoán. Năm 1945, chủng viện Xã Đoài bị đóng cửa, sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền. 9 năm mòn mỏi chờ ngày được học tiếp. Năm 1954, cùng với đoàn người di cư vào nam, ngài được tiếp tục học tại Đại chủng viện Saigon, và được thụ phong linh mục ngày 29.6.1958, khi đó ngài đã 42 tuổi. Tân linh mục J.B. noi gương thánh quan thầy, tiến sâu vào rừng núi hoang vu để rao giảng Tin Mừng. Nơi đặt chân đầu tiên của cuộc đời linh mục là Phước Long, tại đây, 3 giáo xứ đầu tiên ra đời: Mông Triệu, Vinh Đức, và Vi Thiện. Rồi Tiền Hô – Quảng Đức, tại đây, khỏang 30 gia đình công giáo di dân từ Quảng Ngãi đến lập nghiệp (phong trào dịnh cư dinh điền). Gót chân không biết mỏi mệt, giáo dân là những người từ Bình Định, Quảng Ngãi, và một ít bà con di cư từ miền bắc vào. Vừa khai hoang, lập ấp, vừa tìm miếng ăn chật vật bởi hai bàn tay, không phương tiện, linh mục trở nên người lo từ miếng ăn, dạy văn hóa, và lo phần linh hồn cho con chiên mình. Năm 1960, giáo phận Đàlạt được thành lập, cha tôi trở nên linh mục vùng biên giới Cam bốt của giáo phận Đàlạt. Dinh điền cuối cùng ngài đến được mang tên rất “thượng”: Bumua, đó là giáo xứ Thánh Tâm. Năm 1966, khi tòan vùng Quảng Đức, Phước Long không còn an ninh, do chiến tranh, ngài đã xin phép bề trên đem 80 gia đình, gồm gốc Quảng Ngãi, và một số ít hơn gốc Vinh đến lập nghiệp tại Cam Ranh. Ngài đặt tên là Vinh Trang (Vĩnh Cẩm). Tại đây, khi nhiều người đến lập nghiệp sau 1972, ngài phụ trách kiêm nhiệm cả Nghĩa Phú và Vĩnh Thái, sau này đều trở thành giáo xứ.

Tôi đã đến thăm cha một lần tại Bumua (Sùng Đức – Đắcxông), linh mục chủ chăn lao động như mọi giáo dân, vừa để làm gương vừa để tìm cách dạy dân làm ăn sao cho thóat cảnh nghèo đói, vừa mở lớp dạy học, để con em có cái chữ mà học giáo lý. 4 giờ sáng, ngài kéo chuông, mở cửa nhà thờ. Khi người giáo dân đầu tiên đến, ngài bắt kinh sáng, luôn mở đầu bằng câu: “Trước hết ta hãy tin có Đức Chúa Trời ở trước mặt ta …”. Cung giọng hát câu này của ngài in sâu vào lòng tôi một cách ngọt ngào, và trở thành dấu ấn sâu đậm trong tôi. Trong vườn nhà xứ có đủ mọi thứ rau quả: bầu, bí, rau; tất cả do bàn tay ngài trồng và chăm sóc.

Năm 1967, tôi đến Cam ranh lần đầu, tìm đến Đồng Lác để hỏi đường đến thăm ngài, cha xứ Đồng Lác lúc đó là cha Dũng, ngài giữ tôi dùng cơm trưa với ngài trước khi cho người dẫn tôi đến Vĩnh Cẩm, nơi cha tôi đang thời gian đầu cùng giáo đân xây dựng giáo xứ.

Bên cạnh ngọn đồi, một vùng đất mới khai hoang dọc theo đường rầy xe lửa, những luống rau lang tươi xanh bên cạnh vườn mì bọc kín nhà xứ. Nhà xứ và nhà thờ tạm bằng tôn cũ, ngài nói: “Cha năn nỉ mãi họ mới chở cho cha từ Quảng Đức đến đó”. Đêm đầu tiên tôi ở Vĩnh Cẩm cho tôi một kỷ niệm khó quên. Tôi vẫn có thói quen đọc sách sau kinh tối. Phòng cha dành cho tôi: một giường nhỏ, và một bàn nhỏ bên cửa sổ. Tôi mở cửa cho mát, ngồi đọc sách bên ngọn đèn dầu, bất chợt, một chú heo rừng chỏ mỏ ngay trước mặt tôi. Hú hồn tôi la lên, chú heo bỏ chạy, ngay lúc đó, cha tôi qua bảo tôi: “Con nhớ đóng cửa cẩn thận, ở đây còn có cả cọp”. Thế là một đêm không ngủ, sao đêm đó dài đến thế.

Những năm sau đó, tôi có vài dịp đến thăm cha tôi. Tôi cảm nhận nơi ngài: làm mọi sự có thể được cho những người Chúa trao gửi cho mình, phải hết lòng phục vụ cho các linh hồn và cho cả đời sống của họ nữa.

Một hình ảnh khác mà ngài đã ôm ấp từ khi còn học tại chủng viện Xã Đòai: Phải xây dựng một Thánh Đường mang tên Chúa Ba Ngôi. Thế là tự tay thiết kế một mô hình bằng gỗ ngôi nhà thờ mơ ước. Mô hình này được đem từ Vinh vào Saigon, Rồi khi đã là linh mục, mô hình này theo ngài đến Phước Long, rồi Quảng Đức, sau cùng là Vĩnh Cẩm. Năm 1973, tôi đến thăm ngài thì ngôi nhà thờ này sắp thành sự thật. Tôi tự hỏi: tiền đâu để xây được ngôi nhà thờ này. Câu hỏi không có câu trả lời. Lần đầu tiên tôi được xem lễ trong ngôi nhà thờ mơ ước của cha tôi cũng là lúc tôi tiển biệt ngài về với tro bụi. Xúc động, tôi chợt nghĩ đến: cha tôi giờ này không còn long đong nữa, mà ngài đang được xum họp bên Chúa Ba Ngôi.

Cha tôi, một đời gian lao, lo lắng, mong sao cho tròn sứ vụ của một chủ chăn. Đơn giản trong cái ăn, cái mặc, dứt khóat trong lập trường: Không nao núng trước bất kỳ thế lực nào, ngài thường căn dặn chúng tôi: “Điều hạnh phúc nhất của con cái Chúa là được tử đạo, dưới mọi cách thức, chớ để tiền tài, thế lực trần thế làm lung lay”.

Sau biến cố năm 1975, cha tôi đượcnếm mùi “cải tạo”. Sau khi đã “cải tạo” tốt, và phải về “chờ tại Tòa Giám Mục”. Ngài nói với chúng tôi, nếu về ngồi ở đây thì ích gì cho linh mục của Chúa, thà ở trong “trại” để lo cho anh em trong đó. Trong “trại” cha luôn giải tội, rửa tội và rao giảng. Về đây cha chỉ biết cầu nguyện, rồi ăn, ngủ.

Cha tôi là người như thế đó, nhưng không thiếu những lời ra tiếng vào, kể cả vu khống. Không có vị thánh nào không bị người đời phỉ báng, ngay cả Thầy Chí Thánh Giêsu cũng không lọai trừ.

Xin Thiên Chúa nhân từ đón người cha yêu dấu của con về với Ngài.

Để tưởng nhớ hương hồn nghĩa phụ Gioan Baotixita Bùi Đình Thể (13.4.2916 – 24.5.2007)
André Đoàn Trung Chính – 28.5.2007

Laisser un commentaire